Bỏ nguyên liệu vào máy, chỉ cần bấm nút, 25 - 30 phút sau, cả gia đình đã có thể thưởng thức món sữa đậu nành thơm phức. Tất cả các công đoạn biến đậu thành sữa đều được máy xử lý, giúp người nội trợ rảnh tay để làm những công việc khác.
Không chỉ thế, máy làm sữa đậu nành còn tích hợp nhiều tính năng: nấu sữa đậu xanh, đậu đỏ, sữa gạo, nấu cháo; có bộ đồ nghề làm đậu hũ tại nhà sạch sẽ và đơn giản; máy cho phép nấu cả đậu ngâm mềm và đậu khô. Một số nhãn hiệu điển hình trên thị trường hiện nay gồm: Korea King, Soylove (Hàn Quốc), Tiross (công nghệ Ba Lan), Bluestone (Mỹ), Home Sun (Thái Lan), Saiko (Việt Nam), Supor (Trung Quốc)… Đa số các máy có giá dao động từ 850.000đ - 1.400.000đ/cái. Những dòng máy có thêm tính năng chế biến đậu phụ, đậu hũ có giá lên đến ba - năm triệu đồng/cái.
Gọn gàng như một chiếc bình thủy, máy nấu sữa đậu nành khá đa dạng mẫu mã và màu sắc. Máy hoạt động dựa trên cơ sở kết hợp giữa máy xay sinh tố và máy pha cà phê tự động. Đậu đổ vào được máy xay cho đến khi mềm mịn, qua bước lọc, đun nóng và làm chín. Toàn bộ quy trình hoàn toàn do máy tự động xử lý và máy cũng tự động ngắt khi sữa chín.
Sử dụng và bảo quản
- Kiểm tra đầy đủ các phụ kiện đi kèm máy khi mua. Nên chọn loại máy có những linh kiện tiếp xúc trực tiếp với đậu nành (bình đun, giỏ lọc và lưỡi cắt…) bằng inox để an toàn cho sức khỏe. - - Sử dụng ổ cắm điện chắc chắn để tránh sự cố về điện khi máy hoạt động.
- Không nên dùng nước sôi hoặc nước ấm để nấu, vì có thể làm sai lệch lập trình của máy.
- Không được vận hành khi máy chỉ có nước mà không có nguyên liệu. Tránh bỏ nhiều nguyên liệu hơn so với hướng dẫn. Lượng nước và đậu cũng không được quá vạch “max”, tránh khả năng bị trào.
- Để tăng độ bền cho máy, mỗi mẻ nấu cần cách nhau khoảng 20 phút.
- Dùng khăn mềm để vệ sinh máy sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng, đặc biệt là phần điện trở nhiệt, nếu không rửa sạch, sữa có thể bị cháy khi nấu những lần sau.
- Tuyệt đối không xả thẳng nước vào phần đầu máy để tránh thấm nước vào bên trong, gây hư hỏng.